“Kỹ năng mềm”..Bạn đã có chưa?

Hà Nội có bao nhiêu cây xăng? Nói về từ “blog” trong vòng 1 phút… Đó là những câu hỏi mà các ứng viên hoàn toàn có thể gặp phải khi đi xin việc. Để “xử lý”, ứng viên cần sự nhạy bén, linh hoạt, hay nói cách khác là cần phải có kỹ năng “mềm”.

Làm việc nhóm (team-work) là một kỹ năng mà SV còn rất yếu . Nguyễn Khánh Vân (cựu SV ĐH Kinh tế Quốc dân) nhớ lại lần bị “khớp” trong buổi phỏng vấn thi tuyển vào công ty Unilever: “Đang trao đổi về nghiệp vụ kinh doanh, bất ngờ nhà tuyển dụng hỏi: “Theo em, nếu phi một con dao vừa dùng để phết bơ thì mặt nào sẽ tiếp đất, mặt phết bơ hay không phết bơ?” Tôi thực sự bất ngờ và rất lúng túng. Có lẽ, tôi bị trượt cũng vì không đủ bản lĩnh và nhanh nhạy để trả lời câu hỏi đó”. Chắc hẳn có nhiều SV mới ra trường khi đi xin việc cũng từng rơi vào tình huống “bất ngờ và lúng túng” như Khánh Vân. Những câu hỏi tưởng chừng rất vu vơ của các nhà tuyển dụng nhưng trên thực tế lại là mấu chốt nhằm kiểm tra kỹ năng “mềm” của ứng viên. Với những câu hỏi này, không có một đáp án cụ thể nào cả mà quan trọng là ứng viên phải thuyết phục được nhà tuyển dụng tin vào đáp án của mình.

Th.S Nguyễn Huy Hoàng (Phó Tổng giám đốc Tâm Việt Group, đơn vị chuyên đào tạo và tư vấn kỹ năng cho giới trẻ) định nghĩa: “Kỹ năng “mềm” (soft skills) đối lập với kỹ năng kỹ thuật (technical skills) là những thứ SV thường không được học trong nhà trường, không liên quan đến kiến thức chuyên môn mà phụ thuộc chủ yếu vào cá tính của từng người. Kỹ năng mềm ngày càng được các nhà tuyển dụng coi trọng bởi nó là nhân tố quan trọng ảnh hướng tới mức độ thành công của công việc”. Cũng theo anh Hoàng thì có 5 kỹ năng mềm cơ bản bao gồm: đặt mục đích, mục tiêu cho cuộc đời; kỹ năng thuyết trình; tư duy và thay đổi bản thân; kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng làm việc nhóm. Đặt mục tiêu và theo đuổi mục tiêu của mình đã chọn lựa cũng là một kỹ năng yếu của nhiều SV. Một số SV thi vào trường này, trường kia là do bố mẹ sắp đặt, một số khác lại thi theo mốt chứ thực chất không biết mình thực sự muốn làm gì. Đến khi ra trường vẫn không biết mình muốn học tiếp hay đi làm để tích luỹ kinh nghiệm. Anh Phạm Quang Thắng, Giám đốc Trung tâm Streasury, ngân hàng Techcombank đưa ra một ví dụ: “Đã từng có một ứng viên khá xuất sắc, tốt nghiệp Thạc sỹ ở Nhật Bản, trình độ chuyên môn rất giỏi thi tuyển vào công ty chúng tôi. Khi phỏng vấn, tôi hỏi mục tiêu trong 5 năm tới, ứng viên này trả lời ngay: “Sớm hay muộn thì tôi cũng quay lại Nhật học tiếp Tiến sỹ”. Dù rất trân trọng tinh thần học tập và thái độ trung thực của ứng viên này nhưng tôi vẫn phải loại anh ta vì rõ ràng, mục đích của anh ta không phù hợp với công ty. Chúng tôi cần những người chuyên tâm và gắn bó với công việc chứ không phải làm một, hai năm rồi đi học”. Bên cạnh đó, kỹ năng thuyết trình hiện cũng là một mặt thiếu hụt của phần lớn SV. Các bạn không thể trình bày một cách mạch lạc, rõ ràng ý tưởng của mình với người đối diện, đặc biệt trước đám đông hoặc nhà tuyển dụng. Kim Anh (Đội Cấn, HN) chia sẻ: “Vừa rồi đi thi tuyển vào một trang thông tin điện tử, nhà tuyển dụng đưa ra từ “blog” và yêu cầu tôi nói về từ này trong vòng 1 phút. Blog là một từ rất quen thuộc mà tôi có thể nói cả ngày về nó, nhưng chỉ có 1 phút, phải chọn lọc thông tin thế nào cho đầy đủ, hấp dẫn quả là rất khó khăn”.

Chủ động “nhập cuộc” 9 kỹ năng mềm cơ bản (Theo Sean Hawitt – Chuyên gia tư vấn nghề nghiệp – Every 2nd Thursday)

1. Có ý chí chiến thắng

2. Có tinh thần đồng đội

3. Giao tiếp hiệu quả

4. Tự tin

5. Mài giũa kỹ năng sáng tạo

6. Chấp nhận và học hỏi từ những lời phê bình.

7. Thúc đẩy bản thân và dẫn dắt người khác.

8. Đa nhiệm vụ và xác định trước những việc cần làm

9. Có cái nhìn tổng quan

Hầu hết cả nhà tuyển dụng và những người giàu kinh nghiệm đều khẳng định: cách duy nhất để trau dồi kỹ năng “mềm” là phải luyện tập, học hỏi thường xuyên, tạo cho mình một phản xạ tức thời mỗi khi gặp các tình huống cần thiết. Anh Phạm Trần Mạnh Trang (Trưởng phòng nhân sự công ty Unilever) khuyên các bạn SV trước hết phải xác định rõ công việc mình muốn làm sau khi ra trường, sau đó phân tích xem đối với công việc đó, đâu là kỹ năng “cứng”, đâu là kỹ năng “mềm”. Chẳng hạn với vị trí marketing thì kỹ năng giao tiếp, thuyết phục khách hàng lại chính là kỹ năng “cứng”, chính là chuyên môn của nghề. Còn với lập trình viên máy tính thì đương nhiên đó là những kỹ năng “mềm”. Xác định rõ “mềm”, “cứng” và nhận ra điểm mạnh, điểm yếu, những mặt thiếu hụt của mình là yêu cầu đầu tiên để trau dồi kỹ năng “mềm”. Anh Nguyễn Huy Hoàng cho biết phải tập kỹ năng hàng ngày, cũng như tập viết, tập đọc thì mới nhuần nhuyễn được. Chỉ riêng kỹ năng thuyết trình đã nhiều yêu cầu, với mỗi đối tượng khác nhau, cần phải có tốc độ nói, cách vung tay, sử dụng ngôn ngữ… khác nhau. Các bạn trẻ không thể áp dụng máy móc khuôn mẫu mà cần phải luyện tập cho thành phản xạ để trong tình huống nào cũng có thể giao tiếp đúng mực.

Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, anh Nguyễn Quang Tiệp, trợ lý Tổng GĐ Công ty FPT cho biết: “Trang bị kỹ năng “mềm” giúp cho nhân viên trẻ nhanh chóng hoà nhập vào cộng đồng mới, xây dựng được các mối quan hệ tốt và bền vững, đồng thời tạo được thiện cảm nơi đồng nghiệp. Bề dày gần 20 năm làm cán bộ lớp, hoạt động xã hội, đặc biệt là thời SV với vô vàn hoạt động ngoại khóa hữu ích đã cho tôi kỹ năng này. Vì thế, lời khuyên của tôi là các bạn trẻ hãy chủ động tham gia các hoạt động tập thể, rồi bạn sẽ cảm nhận rất rõ lợi ích khi ra trường.

(Bài sưu tầm)

Leave a comment